Ngữ pháp luôn là một vấn đề “nhức nhối” đối với hầu hết những bạn đang theo đuổi con đường chinh phục tiếng Anh. Tuy vẫn có những bạn rất thích thú tìm hiểu về ngữ pháp nhưng đa phần đều cho rằng đây là một phần kiến thức khô khan và “khó nuốt” vô cùng. Nhưng bạn phải hiểu rằng, ngữ pháp – không chỉ riêng với tiếng Anh – bản chất là tập hợp những luật lệ quy định cách sử dụng một ngôn ngữ và đã là “luật pháp” thì phải có tính nhất quán và đồng bộ. Nếu mỗi người dùng tiếng Anh theo một kiểu thì “thiên hạ sẽ đại loạn!”
Vậy ngữ pháp quan trọng như thế nào?
Như vậy, bản chất của ngữ pháp là những luật lệ quy định cách kết hợp từ và mỗi ngôn ngữ lại có một “bộ luật” của riêng mình. Ví dụ, nếu trong tiếng Việt ta dùng hệ thống trạng từ (đã, sẽ, đang,…) để miêu tả thời gian thì tiếng Anh lại sử dụng thì – một dạng biến thể của động từ – để làm nhiệm vụ này. Nếu trong tiếng Việt, việc đổi thứ tự chỉ một từ cũng có thể thay đổi ý nghĩa câu văn thì những ngôn ngữ như tiếng Nga hoặc tiếng Nhật lại không hề bị quy tắc này ảnh hưởng.
Như vậy cũng đủ thấy sự khác nhau giữa các ngôn ngữ phần lớn là ở ngữ pháp – đôi lúc trái ngược hẳn với tiếng mẹ đẻ của người học. Đây cũng là lý do khiến nhiều bạn cảm thấy đây là phần kiến thức khó nhất; cũng là lời giải thích cho việc tại sao bạn phải học ngữ pháp để sử dụng được tiếng Anh nói riêng và các ngôn ngữ khác nói chung.
Có nhất thiết phải học ngữ pháp?
Sẽ có một số ý kiến cho rằng: “Nếu mục đích của tôi chỉ là giao tiếp thì không cần chú trọng đến ngữ pháp” (!)
Đúng là đối với quá trình giao tiếp, mục đích ưu tiên là truyền tải được thông tin tuy nhiên nếu không có một lượng cấu trúc ngữ pháp nhất định, bạn sẽ không có phương tiện để gắn kết những từ vựng riêng lẻ thành một chuỗi thông tin hoàn chỉnh. Và nguy hiểm nhất là khi bạn hình thành thói quen dùng sai ngữ pháp (mà vẫn tin rằng mình dùng đúng!) thì quá trình sửa chữa và học lại từ đầu sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Vậy nên ngữ pháp là một thử thách không thể tránh khỏi khi học tiếng Anh. Nhưng ta nên học ngữ pháp tiếng Anh cơ bản như thế nào cho hiệu quả?
Ta đang học ngữ pháp như thế nào?
Đối với tiếng mẹ đẻ, chúng ta tiếp nhận ngữ pháp mà không cần phải học bất cứ quy tắc hay công thức nào cả; các kiến thức ấy được tự động thu nạp thông qua quá trình nghe và lặp lại theo thói quen. Đây chính là nguyên lý cốt lõi của phương pháp quy nạp (Inductive/Bottom-up). Ngược lại khi lớn lên, chúng ta đi học ngôn ngữ – đặc biệt là ngoại ngữ – lại tiếp cận ngữ pháp theo phương pháp diễn dịch (Deductive/Top-down), tức bạn được học và yêu cầu ghi nhớ các quy tắc về lý thuyết để áp dụng vào bài tập hoặc thực tế.
Phương pháp truyền thống này tuy hiệu quả về mặt thông tin và thời gian (rút ngắn quá trình tiếp thu thực tế) so với phương pháp quy nạp nhưng lại để lộ nhiều nhược điểm về cách tiếp cận kiến thức khiến nhiều bạn khó tiếp thu và mất động lực trong quá trình học.
Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, được nhiều người lựa chọn để có cơ hội học tập và làm việc hiệu quả hơn. Với tình hình phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu hiện nay, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chung để giao tiếp, liên kết các nước với nhau thành khối vững mạnh. Bản thân tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chung nhưng không có nghĩa là người ta dễ dàng thành thạo và nắm bắt được nó. Học tiếng Anh mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích nhưng bên cạnh đó bạn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Hiểu được điều đó, kết hợp cả hai phương pháp trên giúp bạn tiếp thu kiến thức ngữ pháp hiệu quả nhất. Do đó, hãy ưu tiên ngữ pháp trong lộ trình và lịch học của bạn để xây dựng vốn ngữ pháp dễ dàng và không mất quá nhiều sức lực. Việc này sẽ giúp bạn tạo nền tảng vững chắc phát triển cả 4 kỹ năng và thành thạo tiếng Anh trong tương lai. Rất mong được đồng hành cùng bạn trên con đường chinh phục Anh ngữ!